UBND tỉnh Lâm Đồng vừa hoàn thiện hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Lâm Đồng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây được xem là một bước đi quan trọng nhằm hiện thực hóa những mục tiêu đã đề ra trong quy hoạch, đưa Lâm Đồng trở thành một tỉnh phát triển khá toàn diện của cả nước.
Qua đó, kế hoạch tập trung vào việc hoàn thiện hệ thống các quy hoạch cấp dưới, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với quy hoạch tỉnh đã được phê duyệt. Cụ thể: Rà soát, điều chỉnh các quy hoạch, các quy hoạch đô thị, nông thôn, quy hoạch chuyên ngành sẽ được rà soát kỹ lưỡng, loại bỏ những quy hoạch không còn phù hợp, đồng thời bổ sung những quy hoạch mới nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh; Kế hoạch đề ra nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy liên kết vùng, khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh của tỉnh. Đặc biệt, việc đầu tư phát triển mạng lưới giao thông được xem là một trong những ưu tiên hàng đầu; Kế hoạch cũng đã xác định rõ các dự án đầu tư công ưu tiên, tập trung vào các lĩnh vực như giao thông, hạ tầng nông thôn, năng lượng, thủy lợi và bảo vệ môi trường.
Theo đó, đầu tư phát triển mạnh kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội, ưu tiên đầu tư, nâng cấp và mở rộng các tuyến giao thông liên tỉnh, liên huyện để kết nối giữa các địa bàn trong tỉnh; các tỉnh lộ huyết mạch; các dự án phục vụ kết nối vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm. Tập trung bố trí vốn để hoàn thành và đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm có ý nghĩa lớn có tính kết nối và lan tỏa đối với phát triển kinh tế – xã hội của Lâm Đồng như: Tuyến cao tốc Dầu Giây – Liên Khương (CT27), cao tốc Nha Trang – Liên Khương (CT25), Cao tốc Liên Khương – Buôn Ma Thuột (CT26); Quốc lộ (QL)28, QL28B, QL27, QL27C, QL55, QL55B, QL20; tuyến đường kết nối Cảng hàng không Liên Khương với tuyến cao tốc Bảo Lộc – Liên Khương; tuyến đường kết nối cảng cạn Đức Trọng; các tuyến đường tỉnh; tuyến vành đai đô thị Đà Lạt, Đức Trọng; tuyến kết nối Liên Nghĩa – Thạnh Mỹ…
Ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu để phát triển hạ tầng nông thôn, bảo đảm tất cả các xã có đường giao thông kiên cố đi lại, nâng cấp, cải tạo, đầu tư mới các cơ sở y tế, giáo dục công lập, nâng cấp cơ sở vật chất hiện đại, đồng bộ cho các tổ chức nghiên cứu khoa học công nghệ để thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu, chuyển giao khoa học công nghệ,…
Đầu tư các dự án cấp điện phục vụ sản xuất, trọng tâm là các đô thị, khu, cụm công nghiệp, khu, điểm du lịch, đáp ứng tốt hơn nhu cầu sản xuất, sinh hoạt của Nhân dân. Đầu tư phát triển mạnh hệ thống thủy lợi, tưới tiêu, cấp thoát nước, phát huy hiệu quả các công trình thủy lợi lớn đã được đầu tư, các mô hình thủy lợi nhỏ, phân bổ theo mạng phân tán, phù hợp với địa hình đồi núi, chia cắt ở Lâm Đồng. Ưu tiên đầu tư trùng tu, tôn tạo, phát huy giá trị các di tích đặc biệt của quốc gia trên địa bàn và các di tích của tỉnh; các thiết chế văn hóa mang đậm bản sắc vùng Tây Nguyên, các công trình thể thao trọng điểm; Ưu tiên các nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước cho các huyện vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng khó khăn, vùng chịu nhiều ảnh hưởng thiên tai, bão lũ. Ưu tiên bố trí, sử dụng vốn ngân sách nhà nước như là vốn mồi để khai thác tối đa các nguồn vốn của các thành phần kinh tế khác.
Bên cạnh đó, việc thu hút đầu tư tư nhân cũng được khuyến khích, nhằm huy động tối đa các nguồn lực cho phát triển. Các ngành, lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư gồm: hệ thống giao thông, hạ tầng logistics; cảng cạn; hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp; chế biến, chế tạo ứng dụng công nghệ cao; các dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; phát triển nguồn điện; cấp nước sạch; cơ sở hạ tầng giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường; du lịch, thương mại, dịch vụ chất lượng cao, thông tin và truyền thông, chuyển đổi số.
Ưu tiên thực hiện các dự án xây dựng các công trình hạ tầng kinh tế – xã hội lớn, quan trọng, thiết yếu; phát triển nông nghiệp và nông thôn; phát triển nguồn nhân lực, nhất là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh Lâm Đồng theo hướng tăng trưởng xanh, gắn với ứng dụng khoa học và công nghệ tiên tiến, chính quyền số, kinh tế số, xã hội số; bảo vệ môi trường và các nguồn tài nguyên thiên nhiên; hỗ trợ thúc đẩy đầu tư thương mại và một số lĩnh vực sản xuất, kinh doanh.
Khuyến khích, thu hút các đối tác có thương hiệu toàn cầu, có năng lực tài chính mạnh, có khả năng đầu tư ổn định, lâu dài, có tính liên kết và thu hút đầu tư sản xuất các sản phẩm phụ trợ. Không thu hút các dự án FDI hiệu quả thấp, thâm dụng lao động quá lớn, công nghệ lạc hậu.
Khuyến khích, tạo cơ chế chính sách đột phá thu hút nguồn vốn khu vực tư nhân trong và ngoài nước theo hình thức PPP để tập trung đầu tư phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế – xã hội quan trọng, đặc biệt đối với các dự án trọng điểm, có sức lan tỏa rộng, tác động lớn tới phát triển kinh tế và các dự án hạ tầng xã hội phục vụ cộng đồng dân sinh thuộc ngành Y tế, Giáo dục…
Đẩy mạnh thực hiện chủ trương xã hội hóa đối với các dịch vụ công, đặc biệt trong các lĩnh vực y tế, chăm sóc sức khỏe Nhân dân, giáo dục đào tạo, văn hóa, thể thao, các công trình dự án cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất và sinh hoạt của người dân ở khu vực nông thôn của tỉnh Lâm Đồng.
Tỉnh cũng lên kế hoạch các danh mục các dự án ưu tiên đầu tư đến năm 2030. Định hướng danh mục các dự án ưu tiên đầu tư, phân kỳ đầu tư và nguồn lực thực hiện đến năm 2030 theo phương án phát triển các ngành, lĩnh vực. Quy mô, diện tích đất sử dụng, cơ cấu tổng mức đầu tư, nguồn vốn thực hiện và các thông tin chi tiết của các công trình, dự án đầu tư công và ngoài ngân sách sẽ được tính toán, xác định cụ thể trong từng giai đoạn cụ thể trong quá trình triển khai theo các quy định của pháp luật liên quan.
Về kế hoạch sử dụng đất, căn cứ Quy hoạch sử dụng đất quốc gia, các quy hoạch ngành quốc gia, Quy hoạch tỉnh và chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, kế hoạch sử dụng đất quốc gia 5 năm 2021-2025 được giao tại Quyết định số 326/QĐ-TTg ngày 9/3/2022 và Quyết định số 227/QĐ-TTg ngày 12/3/2024 của Thủ tướng Chính phủ và các quyết định điều chỉnh, bổ sung (nếu có) của cấp có thẩm quyền, UBND tỉnh Lâm Đồng xây dựng trình cấp có thẩm quyền phê duyệt Kế hoạch sử dụng đất tỉnh Lâm Đồng thời kỳ 2021-2025 và Kế hoạch sử dụng đất tỉnh Lâm Đồng thời kỳ 2026-2030 bảo đảm phù hợp với quy định của Luật Quy hoạch, Luật Đất đai và các quy định pháp luật có liên quan, sử dụng hiệu quả, hợp lý, tiết kiệm, bền vững với tầm nhìn dài hạn; đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh; phát triển giáo dục, văn hóa, thể thao; bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; tạo động lực cho sự phát triển của tỉnh.
Trường hợp có chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất, khu vực định hướng quy hoạch đầu tư giai đoạn trong các quy hoạch được phê duyệt trước đây có sự sai khác so với quy hoạch tỉnh thì thực hiện theo chỉ tiêu sử dụng đất, định hướng quy hoạch đầu tư giai đoạn của quy hoạch tỉnh.
Để thực hiện mục tiêu tăng trưởng GRDP bình quân hàng năm là 8,5-9%, dự kiến nhu cầu vốn đầu tư trong cả thời kỳ 2021-2030 cho tỉnh Lâm Đồng khoảng 757.548 tỷ đồng; trong đó, giai đoạn 2021-2025 nhu cầu vốn đầu tư 269.082 tỷ đồng, giai đoạn 2026-2030 nhu cầu vốn đầu tư 488.466 tỷ đồng.
Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Lâm Đồng lần này là một bước đi quan trọng, thể hiện quyết tâm của tỉnh trong việc xây dựng một Lâm Đồng giàu đẹp, văn minh. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu đề ra, cần có sự đồng lòng, chung sức của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp Nhân dân.