(LĐ online) – Chiều 3/7, tiếp tục chương trình tiếp xúc cử tri sau Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, tại xã Lộc Châu, đồng chí Trần Đình Văn – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Lâm Đồng và ĐBQH Trịnh Thị Tú Anh – Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội đã có buổi tiếp xúc với cử tri TP Bảo Lộc.
Tham dự buổi tiếp xúc còn có các đồng chí: Tôn Thiện Đồng – Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lâm Đồng, Bí thư Thành ủy Bảo Lộc; Phạm Triều – Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh; lãnh đạo Thành ủy, HĐND, UBND và Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Bảo Lộc.
Tại buổi tiếp xúc, đông đảo cử tri TP Bảo Lộc đã được nghe ĐBQH Trịnh Thị Tú Anh báo cáo kết quả Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XV: Sau thời gian làm việc tích cực, khẩn trương, nghiêm túc, với tinh thần đổi mới, đoàn kết, dân chủ, trí tuệ và trách nhiệm cao, Quốc hội đã hoàn thành toàn bộ nội dung, chương trình Kỳ họp thứ 7.
Kết quả, Quốc hội đã thông qua 11 luật, 21 nghị quyết, cho ý kiến lần đầu đối với 11 dự án luật khác; giám sát tối cao chuyên đề “việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế – xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023”; tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn; xem xét, quyết định các vấn đề về nhân sự, kinh tế – xã hội, ngân sách nhà nước; xem xét báo cáo về tổng hợp kiến nghị của cử tri và Nhân dân, báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri, cùng một số nội dung quan trọng khác.
Quốc hội đã xem xét, quyết định bầu Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cho thôi làm nhiệm vụ ĐBQH khóa 15 đối với ông Đinh Tiến Dũng; phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm Phó Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Công an.
Tại Kỳ họp, Quốc hội đã thống nhất thực hiện nội dung cải cách tiền lương; điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội từ ngày 01/7/2024; thực hiện cải cách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW trong khu vực công theo lộ trình, từng bước, thận trọng, chắc chắn, bảo đảm tính khả thi và góp phần nâng cao đời sống người hưởng lương, trong đó giao Chính phủ một số nội dung như: Điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,8 triệu đồng hiện nay lên 2,34 triệu đồng/tháng (tăng 30%); điều chỉnh tăng 15% mức lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội hiện hưởng; điều chỉnh trợ cấp xã hội theo mức chuẩn trợ giúp xã hội lên 500.000 đồng/tháng (tăng 38,9%).
Điều chỉnh một số nội dung liên quan chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030.
Tiếp tục thực hiện chính sách giảm 2% thuế giá trị gia tăng trong thời gian từ ngày 01/7/2024 đến hết ngày 31/12/2024 đối với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng thuế suất thuế giá trị gia tăng 10%…
ĐBQH Trịnh Thị Tú Anh cũng đã báo cáo với cử tri về những kết quả nổi bật trong phát triển kinh tế – xã hội 6 tháng đầu năm 2024 của cả nước và tỉnh Lâm Đồng; đồng thời, nêu lên những khó khăn, hạn chế cần khắc phục để đưa kinh tế – xã hội của tỉnh Lâm Đồng ngày càng phát triển trong thời gian tới.
Tại buổi tiếp xúc, đông đảo cử tri TP Bảo Lộc đã bày tỏ sự vui mừng, phấn khởi trước kết quả phát triển của đất nước, địa phương. Qua đó, đã tạo niềm tin vững chắc để Nhân dân cùng đóng góp công sức, trí tuệ xây dựng đất nước và Lâm Đồng ngày càng phát triển.
Cử tri TP Bảo Lộc đã phản ánh, kiến nghị đến Đoàn ĐBQH 4 nhóm vấn đề mà người dân địa phương đặc biệt quan tâm. Cụ thể là tình trạng cấp đất cho doanh nghiệp chồng lấn lên đất của nhiều hộ dân tại xã Lộc Châu chưa được giải quyết thấu đáo; chính quyền, cơ quan chức năng địa phương cần quan tâm hơn nữa đến người yếu thế trên địa bàn; cần xem xét về chính sách dân số sinh con thứ 3 của cán bộ, đảng viên để có sự điều chỉnh phù hợp; tiếp tục quan tâm, chăm lo cho gia đình chính sách, người có công với cách mạng bằng những việc làm cụ thể, thiết thực.
Tình trạng dạy thêm, học thêm trên địa bàn TP Bảo Lộc đang có những biến tướng cần kiểm tra, xử lý; công tác quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm còn nhiều vấn đề cần được kiểm tra, xử lý để đảm bảo sức khỏe cho người dân; giá nông sản, đặc biệt là bơ 034 giảm quá thấp cần có cơ chế hỗ trợ người dân tiêu thụ nông sản bền vững; cần xử lý nghiêm minh các trường hợp điều khiển phương tiện giao thông vi phạm nồng độ cồn.
Nhiều tuyến đường dân sinh trên địa bàn TP Bảo Lộc được người dân hiến đất, vật kiến trúc nhưng chưa được đầu tư xây dựng (do vướng quy hoạch khoáng sản); tiến độ thực hiện Dự án cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc và Bảo Lộc – Liên Khương; Dự án tuyến tránh TP Bảo Lộc…
Đặc biệt, phần lớn các cử tri tại các địa phương tập trung phân tích, kiến nghị những khó khăn, bất cập liên quan đến quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản theo Quyết định 866 của Thủ tướng Chính phủ. Theo Quyết định 866 của Thủ tướng Chính phủ, TP Bảo Lộc có hơn 4.284 ha thuộc ranh quy hoạch giai đoạn 2021 – 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 thuộc địa bàn 5 xã, phường như Đam B’ri, Lộc Phát, Phường 2, Lộc Châu và Lộc Tiến.
Quy hoạch khoáng sản này đang gây trở ngại và kìm hãm sự phát triển kinh tế – xã hội của TP Bảo Lộc nói riêng và nhiều địa phương khác trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng nói chung. Trong đó, khiến nhiều dự án, công trình trọng điểm của tỉnh và các địa phương không thể triển khai thực hiện; do vướng quy hoạch nên địa phương không thể kêu gọi, thu hút đầu tư; quy hoạch khoáng sản chồng lấn lên diện tích đất rừng của tỉnh Lâm Đồng; nhiều tuyến đường giao thông, nhất là giao thông nông thôn tại địa phương cần được đầu tư xây dựng nhưng không thể triển khai do vướng quy hoạch.
Đặc biệt, quy hoạch khoáng sản đã ăn sâu vào các khu dân cư lâu đời khiến đời sống, hoạt động sản xuất của người dân bị đình trệ; nhiều cá nhân, doanh nghiệp đang kinh doanh bị ảnh hưởng nghiêm trọng do không thể đáo hạn ngân hàng có nguy cơ phá sản… Vì vậy, rất cần sự quan tâm các bộ, ngành Trung ương phối hợp với tỉnh Lâm Đồng kiểm tra cụ thể để trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét có sự điều chỉnh quy hoạch khoáng sản đảm bảo sự phát triển chung của địa phương, đất nước; đảm bảo đời sống Nhân dân tránh khiếu nại, khiếu kiện đông người, vượt cấp gây mất an ninh trật tự.
Tại buổi tiếp xúc, Chủ tịch UBND xã Lộc Châu Vũ Văn Vân và Chủ tịch UBND TP Bảo Lộc Nguyễn Văn Phương đã tiếp thu các ý kiến, kiến nghị, phản ánh của cử tri thuộc thẩm quyền; đồng thời, giải trình làm rõ những vấn đề liên quan.
Thay mặt Đoàn ĐBQH, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng Trần Đình Văn đã tiếp thu, ghi nhận, giải trình một số kiến nghị của cử tri thuộc thẩm quyền. Các ý kiến, kiến nghị không thuộc thẩm quyền sẽ được Đoàn ĐBQH tổng hợp, đề nghị các ngành chức năng xem xét, giải quyết theo đúng thẩm quyền quy định, đáp ứng nguyện vọng chính đáng của cử tri địa phương.
Đối với những kiến nghị, phản ánh của cử tri liên quan đến quy hoạch khoáng sản theo Quyết định 866, được Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và các sở, ngành đặc biệt quan tâm. Tại Kỳ hợp thứ 7, Quốc hội khóa XV, Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng đã kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành kiểm tra, xem xét lại quy hoạch khoáng sản của vùng Tây nguyên nói chung và tỉnh Lâm Đồng nói riêng.
Hiện tại, Lâm Đồng có 5 địa phương vướng quy hoạch khoáng sản là TP Bảo Lộc và các huyện Bảo Lâm, Di Linh, Đạ Huoai, Đạ Tẻh. Đoàn ĐBQH tỉnh đã nêu lên những rào cản do quy hoạch khoáng sản để Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét có sự điều chỉnh, tháo gỡ. Qua đó, đảm bảo tình kình phát triển kinh tế – xã hội của địa phương, đất nước và ổn định đời sống Nhân dân.
Vì vậy, đồng chí Trần Đình Văn mong muốn cử tri và Nhân dân tin tưởng vào các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và sự đồng hành, trách nhiệm của lãnh đạo tỉnh trong việc tham gia kiến nghị tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc liên quan đến quy hoạch khoáng sản.